Khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, những người thầy thuốc thấy rõ “sứ mệnh” của mình. Với họ, niềm vui, động lực để tiếp tục gắn bó với nghề chính là sức khoẻ và niềm tin nơi người bệnh.

Bác sĩ CKI Dương Hải Minh, Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau: Đặt mạng sống của bệnh nhân lên trên hết

Bác sĩ Dương Hải Minh thăm khám ca mổ nội soi về bệnh lý phổi do anh thực hiện đang phục hồi tốt.

Hơn 10 năm theo nghề, tôi đã chứng kiến và cảm nhận được áp lực đè nặng lên vai người thầy thuốc, chúng tôi đã đấu tranh cho sự sống, tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh và càng thấu hiểu tính mạng của người bệnh là hy vọng tột cùng của những người thân của họ.
Ở Khoa Ngoại tổng hợp, nhiều lần tôi trực tiếp phối hợp liên khoa hội chẩn, giải quyết trường hợp bệnh nặng khẩn cấp như tràn khí màng phổi tự phát do vỡ kén khí phổi; Vết thương thấu ngực thủng tâm nhĩ/bị đâm; Vết thương thủng thất/vết thương tim do bị đâm... Đứng trước lưỡi hái tử thần, chúng tôi đặt mạng sống nạn nhân lên trên hết, thế nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng chiến thắng. 

Là một thầy thuốc, tôi đã làm việc chăm chỉ, miệt mài, cần mẫn để có được trình độ chuyên môn vững vàng. Năm 2017, tôi có đề tài nghiên cứu khoa học hạng 2 cấp sở “Đánh giá kết quả bước đầu phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng do loét dạ dày - tá tràng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau từ tháng 6/2017-6/2018”. Năm 2018, tôi tham gia cộng sự sáng kiến ứng dụng “Điều trị vỡ bàng quang trong phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng”. Song, niềm trăn trở chính là trang thiết bị của bệnh viện chưa thể đáp ứng những kỹ thuật mới nhất của y học, bởi đã có những ca bệnh nặng, phức tạp khiến chúng tôi lực bất tòng tâm.

Trước tác động khủng khiếp của dư luận và truyền thông với các vấn đề nhạy cảm của ngành y tế, kể cả việc bạo hành y tế, những người thầy thuốc chúng tôi cần niềm tin và sự thông cảm với những nỗi nhọc nhằn, trăn trở để tìm sự đồng cảm, sẻ chia của người bệnh và cả người thân của người bệnh. 

Bác sĩ CKI Trần Quốc Huy, Trưởng trạm Y tế xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời: Y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất

Năm 2019, Bác sĩ Trần Quốc Huy được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2014-2018).

34 năm gắn bó với công tác y tế tuyến cơ sở, tôi nhận thấy y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất. Muốn nâng cao sức khoẻ Nhân dân thì phải làm tốt công tác dự phòng ngay từ ban đầu, vừa hạn chế bệnh tật, vừa có thể giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. 

Xã Khánh Bình Tây Bắc là xã đặc biệt khó khăn, có đến 13 ấp, địa bàn rộng và phức tạp, dân cư sống không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều. Do đó, việc tăng cường công tác khám ngoại chẩn, điều trị ngoại trú và điều trị tận hộ gia đình luôn được trạm chú trọng. Ngoài ra còn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm A (H5N1)... Trong 5 năm qua, trên địa bàn xã không có dịch lớn xảy ra. 

Trạm y tế xã cũng đã triển khai khám chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Tuy nhiên, trạm vẫn chưa đảm bảo đủ trang thiết bị cần thiết để thực hiện tốt các chức năng. Hiện tại, trạm sử dụng tốt máy siêu âm được cấp từ năm 2008, máy đo điện tim đã hỏng, thiếu máy đo đường huyết, các thiết bị thực hiện xét nghiệm máu, sinh hoá... Trạm chỉ có 2 bác sĩ, song 1 bác sĩ đang đi học, còn tôi vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp khám chữa bệnh, khi có hội họp hay việc đột xuất, trạm không có bác sĩ ứng trực. 

Dẫu khó khăn nhưng những cán bộ y tế tuyến đầu luôn thực hiện đúng 12 điều y đức, chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo, kiến thức về chuyên môn ngày càng được nâng cao, luôn đảm bảo đủ số thuốc phòng chống dịch bệnh; Quản lý và sử dụng thuốc đúng quy định.

Thạc sĩ, Bác sĩ Ong Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải: Người bệnh là trung tâm

Thạc sĩ, Bác sĩ Ong Thanh Phong luôn nỗ lực ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiến bộ để tích cực điều trị các bệnh lý về sản phụ khoa.

Đây được xem là giá trị khởi nguồn để đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải thực hiện sứ mệnh mang tới dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao với chi phí hợp lý cho người dân trên địa bàn tỉnh. 

Niềm tin của bệnh nhân là thước đo chất lượng của cơ sở y tế. Vì vậy, dù là cơ sở khám chữa bệnh công lập hay tư nhân, ngoài việc cơ sở vật chất tiện nghi, sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại thì việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh luôn là nhiệm vụ chủ đạo, với tiêu chí “Lấy người bệnh làm trung tâm”. Có thể thấy, hệ thống bệnh viện, phòng khám tư đã và đang góp phần lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và góp phần giảm thiểu sự quá tải của bệnh viện công.

Song, điều tôi lo ngại hiện nay là còn rất nhiều người dân chưa chú trọng việc thăm khám sức khoẻ định kỳ. Bởi việc làm này không chỉ đơn thuần phát hiện sớm mầm bệnh, điều trị kịp thời, mà còn là bản tổng kết khách quan nhất về các cột mốc sức khoẻ cũng như dự đoán những yếu tố nguy cơ gây bệnh nguy hiểm.

Đối với lĩnh vực sản phụ khoa, con số càng khiêm tốn. Vì không có thời gian, vì điều kiện địa lý, tài chính, hay ít quan tâm tầm soát bệnh mà có những bệnh nhân chịu đựng đến mức khối u có thể to từ 1-5 kg tồn tại suốt thời gian dài mà không thăm khám. Tôi đã tiếp nhận những ca như thế, may là lành tính, nếu là ác tính đã là giai đoạn muộn, nguy cơ tử vong cao, cần can thiệp y khoa tiến bộ. 

Bác sĩ Võ Thị Thuỳ Phương, Khoa Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau: Xem bệnh nhân như người thân trong gia đình

Bác sĩ Võ Thị Thuỳ Phương luôn vui vẻ, ân cần chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi.

Tôi là bác sĩ có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nên tôi luôn đặt mục tiêu phấn đấu học tập, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện mình trở thành bác sĩ tận tâm với nghề, giỏi chuyên môn để trị bệnh cứu người. Nhưng trước hết phải là sự thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để cùng họ giành giật sự sống. Đặc biệt ở Khoa Lão học này, người bệnh là những ông bà cụ có tính chất bệnh lý đa dạng, phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức chuyên sâu của nhiều lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa và các chuyên khoa lẻ. Hơn nữa, họ thường khá khó tính, đôi lúc tính khí như trẻ con nên phải đặc biệt chú ý đến tinh thần, thái độ phục vụ. Bản thân tôi luôn xem họ là ông bà mình, những khi được ông bà vuốt ve, dành lời khen dễ thương, đáp lại nụ cười, ánh mắt trìu mến như tiếp thêm động lực cho công việc. 

Theo tôi, dù làm ở đâu, vị trí nào thì nghề y vẫn là nghề cao quý, là nghề liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng con người. Do đó, đòi hỏi người thầy thuốc không chỉ có chuyên môn giỏi mà phải có tâm, phải xem bệnh nhân như chính người thân trong gia đình để điều trị và chăm sóc tốt nhất có thể.

Băng Thanh

Nguồn: Báo Cà Mau Online